Thư viện Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh có lịch sử hơn 48 năm. Tiền thân là Thư viện trực thuộc tổ Giáo vụ của Trường Sư phạm Mẫu giáo TW3 (Trường được thành lập theo quyết định số 43/QĐ-TCCB ngày 25/9/1976 của Bộ Giáo dục). Năm 1987, trường được nâng cấp từ hệ trung cấp lên cao đẳng và đổi tên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 (theo Quyết định số 89/HĐBT ngày 28/3/1987 của Hội đồng Bộ trưởng), Thư viện lúc này trực thuộc Tổ Giáo vụ của Trường. Năm 1996, Thư viện tách từ Tổ Giáo vụ, thành lập thêm bộ phận Đồ dùng dạy học và sáp nhập vào Phòng Đào tạo. Năm 2006, Thư viện - Đồ dùng dạy học tách từ phòng Đào tạo và sáp nhập vào Trung tâm Thông tin (tiền thân là Ban Thông tin trực thuộc Phòng Khoa học) và đổi tên thành Trung tâm Thông tin – Thư viện – Đồ dùng dạy học. Tháng 4/2007, Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 đổi tên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở này, bộ phận Thư viện – Đồ dùng dạy học tách ra khỏi Trung tâm Thông tin – Thư viện – Đồ dùng dạy học trở thành đơn vị độc lập, gọi là Thư viện.
Từ năm 2000 đến nay, Thư viện tiến hành tin học hóa thư viện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tiếp cận dễ dàng vốn tài liệu của thư viện. Năm 2005, Thư viện đặt tại kí túc xá cơ sở 2 (quận 9) phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của sinh viên. Năm 2010, Nhà học Trung tâm tại cơ sở 2 (quận 9) đi vào hoạt động, Thư viện chuyển từ Ký túc xá cơ sở 2 (Quận 9) qua Nhà học Trung tâm. Thư viện cơ sở 2 chuyển từ phục vụ kho đóng sang kho mở từ năm 2010 đến nay.
Hiện nay, Thư viện là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp. Hồ Chí Minh. Thư viện giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Nguồn tài nguyên thông tin của Thư viện được bổ sung và cập nhật thường xuyên theo các chuyên ngành đào tạo của trường, đã đáp ứng được học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên Trường. Ngoài ra, nguồn tài nguyên thông tin của Thư viện cũng thu hút sự quan tâm của giảng viên, sinh viên, học viên ngoài trường hoặc từ các đơn vị khác như Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục, các trường mầm non, trường đào tạo ngành giáo dục mầm non,… ở khu vực phía Nam.
Thư viện có chức năng cung cấp tri thức và thông tin tư liệu về các lĩnh vực giáo dục trong và ngoài nước, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường. Thư viện có trách nhiệm tổ chức quản lý, bổ sung, bảo quản các tài liệu, sách, báo – tạp chí, băng video, đĩa CD- Rom, VCD, DVD, đồ dùng dạy học, các ấn phẩm của trường, các tài liệu nghiên cứu (đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, khóa luận, luận văn, luận án, kỷ yếu).
- Xây dựng nguồn tài liệu phù hợp với nội dung giảng dạy và học tập
- Bổ sung, xử lý, bảo quản, kiểm kê và thanh lý nguồn tài liệu
- Tổ chức, hướng dẫn người đọc tiếp cận, sử dụng nguồn tài liệu thư viện và các nguồn tài liệu khác
- Giới thiệu, phổ biến vốn tài liệu đến cán bộ - giảng viên và người học.
- Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn, quản lý thư viện.
1. Công tác xây dựng nguồn tài nguyên thông tin
Công tác bổ sung tài liệu được tiến hành thường xuyên, kịp thời, với chất lượng vốn tài liệu đảm bảo, đúng các chuyên ngành đào tạo của trường, đáp ứng nhu cầu của giảng viên, sinh viên, phục vụ tốt cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của trường;
Tăng cường bổ sung nguồn tài liệu phục vụ nghiên cứu, tài liệu phục vụ các ngành. Phối hợp với các Khoa / Bộ môn, giảng viên để lựa chọn tài liệu bổ sung nhằm đáp ứng đúng nhu cầu.
Mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi với các cá nhân, tổ chức, nhà xuất bản và các thư viện khác ở trong nước để khai thác, phát triển nguồn tài liệu biếu tặng, trao đổi, đồng thời sao chụp nguồn tài liệu thiếu nhưng không còn phát hành trên thị trường.
2. Công tác phục vụ bạn đọc
Bảo đảm thời gian mở cửa phục vụ bạn đọc đúng giờ, đổi mới phương thức phục vụ nhằm phục vụ nhanh chóng hơn.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, hằng năm Thư viện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu của người sử dụng, lấy ý kiến đánh giá, phản hồi của họ làm cơ sở để đổi mới phương thức phục vụ, định hướng cho hoạt động của đơn vị.
3. Công tác xử lý kỹ thuật tài liệu
Công tác xử lý kỹ thuật tài liệu được tiến hành thường xuyên bao gồm xử lý kỹ thuật tài liệu mới và xử lý kỹ thuật hồi cố.
Đối với nguồn sách được tặng biếu, tổ chức chọn lọc các tài liệu phù hợp với nhu cầu của người đọc và diện phục vụ của thư viện.
4. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu môn học toàn văn phục vụ đào tạo theo tín chỉ
Thường xuyên rà soát, cập nhật giáo trình, tài liệu chính phục vụ đào tạo tín chỉ.
Việc số hóa tài liệu, xây dựng CSDL môn học được tiến hành thường xuyên.
5. Công tác bảo quản/ thanh lọc tài liệu
Thường xuyên kiểm kê, rà soát để sửa chữa tài liệu bị hư hỏng tại các kho của Thư viện.
Định kỳ hàng năm, Thư viện đều thuê sửa chữa tài liệu bị hư hỏng nặng và thuê đóng tập, bảo quản báo và tạp chí nghiên cứu nhằm lưu giữ, phục vụ lâu dài.
Thanh lọc đối với những tài liệu bị hư hỏng nặng không thể phục hồi được; thanh lọc đối với những tài liệu được tái bản nhiều lần; thanh lọc tài liệu không thuộc diện phục vụ của Thư viện,…
6. Công tác Marketing
Tổ chức hoặc phối hợp các đơn vị trong trường trưng bày, triển lãm, giới thiệu tài liệu; Tuần lễ đọc sách và trao đổi sách,… nhằm thu hút bạn đọc đến tham dự và tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa, góp phần tạo ra nhu cầu, hứng thú đọc sách của người sử dụng.
7. Công tác thông tin thư mục
Thực hiện biên soạn thư mục thông báo sách mới; Thư mục bài trích tạp chí,…đăng trên trang web Thư viện.
8. Các công tác khác
Công tác nhân sự: tạo điều kiện cho chuyên viên thư viện tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học.
Công tác đảm bảo chất lượng: lưu giữ, cập nhật minh chứng phục vụ cho công tác đảm bảo chất lượng. Phối hợp chặt chẽ cùng các Khoa làm tốt công tác đánh giá chất lượng. Phối hợp tốt với các Phòng, Ban của Trường trong việc chuẩn bị tốt cho công tác đánh giá chất lượng. Thường xuyên rà soát và không ngừng cải tiến công tác đảm bảo chất lượng của đơn vị.
Công tác cơ sở vật chất: xuất tăng cường các trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của người sử dụng thư viện.
Và một số công tác khác do Trường phân công.