Giáo dục giá trị truyền thống của dân tộc ta được hình thành, phát triển qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những giá trị tốt đẹp đó đã thấm sâu vào mỗi người dân Việt Nam tạo nên sức mạnh nội sinh, kết tinh thành giá trị tinh thần vững chắc, là động lực thôi thúc toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những giá trị cốt lõi này tạo nên sự đoàn kết của cả dân tộc giúp vượt qua những giai đoạn khó khăn để gìn giữ và phát triển đất nước.
Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong chương trình đào tạo của Nhà trường. Đây là việc làm rất quan trọng, đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục từ cán bộ lãnh đạo, giảng viên đến mỗi sinh viên. Giá trị văn hóa truyền thống giúp nuôi dưỡng ý chí vươn lên trong học tập, tự rèn luyện đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn để trở thành đội ngũ giáo viên mầm non hội tụ đủ tài và đức phục vụ cho sự phát triển của ngành Giáo dục mầm non.
Chính vì vậy, sáng ngày 27 tháng 9 năm 2024, tại Hội trường chính, Cơ sở 2 – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thi “Ca múa nhạc dân gian dành cho trẻ mầm non – Lần thứ nhất”.
Để tổ chức thành công chương trình, bên cạnh sự nỗ lực của Phòng Đào tạo, Khoa học và Hợp tác Quốc tế - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, còn có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (nhà tài trợ chính), Hệ thống Mầm non Koi Nursery và Trang phục biểu diễn Nguyên Ngọc đồng hành với Hội thi.
Hội thi với sự tham gia của 7 đội thi đến từ 4 trường mầm non:
Các đội thi
Mở đầu chương trình Hội thi “Ca múa nhạc dân gian dành cho trẻ mầm non - Lần thứ nhất”, Thầy Nguyễn Nguyên Bình – Hiệu trưởng Nhà trường đã có đôi lời phát biểu chào mừng hội thi.
Thầy Nguyễn Nguyên Bình – Hiệu trưởng, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội thi
Theo Thầy, trong bối cảnh đổi mới, sự nghiệp cách mạng hiện nay yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng sáng tạo nội dung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vào thực tiễn đổi mới xây dựng “Thành phố văn hóa, hiện đại, nghĩa tình”. Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất năng động, nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, những giá trị văn hóa của Thành phố hôm nay đã định hình, phát triển và được kiểm chứng trong suốt chiều dài hơn 300 năm lịch sử khai phá và xây dựng thành phố là một chặng đường hào hùng. Theo đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh là một đơn vị hành chính sự nghiệp trú đóng trên địa bàn Thành phố, cũng là đơn vị cung cấp cho Thành phố đội ngũ giáo viên mầm non vừa hồng vừa chuyên đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Lứa tuổi mầm non là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình về nhận thức, hành động của trẻ đối với môi trường xung quanh. Giáo dục ở giai đoạn này tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trong đó, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống là nội dung không thể thiếu, giúp trẻ định hình chuẩn mực, nền tảng, xây dựng gốc rễ neo đậu trong suốt quá trình tiếp nhận, điều chỉnh và thích nghi nhằm phù hợp với sự vận động của cộng đồng, xã hội. Trong xu thế hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ thì việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và tốt đẹp của dân tộc là điều cần thiết. Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho trẻ mầm non là bước đi đúng đắn nhằm khơi gợi, mang lại những tác động tích cực, để lại các biểu tượng cho trẻ về giá trị văn hóa truyền thống từ đó tạo nền tảng vững chắc để trẻ vững bước tiếp thu những giá trị mới.
Cũng theo Thầy, giáo dục giá trị truyền thống được lồng ghép trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Nhà trường và cũng là mục tiêu trong công cuộc đổi mới giáo dục, giáo dục gắn với “bản sắc dân tộc”. Hội thi “Ca múa nhạc dân gian dành cho trẻ mầm non – Lần thứ nhất” được tổ chức là một hoạt động tiếp nối của hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đề tài khoa học cấp Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh “Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh”, qua hội thi này một lần nữa khắc ghi, lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp trong mỗi cán bộ, giảng viên nói chung và trẻ mầm non nói riêng.
Tiếp theo chương trình, thay mặt Nhà trường, Thầy Nguyễn Nguyên Bình tặng hoa và thư cảm ơn đến Nhà tài trợ chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Hệ thống Mầm non Koi Nursery và Trang phục Biểu diễn Nguyên Ngọc – Đơn vị đồng hành của Hội thi.
Thầy Nguyễn Nguyên Bình tặng hoa và thư cảm ơn cho Nhà tài trợ chính và Đơn vị đồng hành (từ trái qua, Bà Đặng Thị Thùy Dung – Đại diện Hệ thống Mầm non Koi Nursery, Thầy Nguyễn Nguyên Bình – Hiệu Trưởng Nhà trường, Ông Ngô Nguyễn Trường Thịnh - Đại diện CTCP Tập Đoàn Hoa Sen, Bà Nguyễn Thị Ngọc – Đại diện Trang phục biểu diễn Nguyên Ngọc).
Thành phần rất quan trọng của Hội thi, những người cầm cân nảy mực cho các tiết mục thi đó chính là Ban Giám khảo. Ban Giám khảo của Hội thi gồm 4 thành viên:
Thay mặt Ban Giám khảo, Cô Phùng Duy Hoàng Yến – Trưởng Ban Giám khảo thông qua các tiêu chí đánh giá tiết mục biểu diễn và trình tự các tiết mục. Theo đó, tiêu chí chấm các tiết mục gồm: chủ đề, động tác, dàn dựng, giai điệu, phong cách và sáng tạo.
Ban Giám khảo của Hội thi
Hội thi “Ca múa nhạc dân gian dành cho trẻ mầm non – Lần thứ nhất” gồm 7 tiết mục, lần lượt là:
- Múa Vũ khúc dân gian đến từ đội thi Trường MN Hoa Hồng Đỏ.
- Múa Cái bống đến từ đội thi Thiên Thần của Trường MN Thực Hành.
- Múa Nét đẹp hồn quê đến từ đội thi Trường MN Phước Long B.
- Song ca và múa Gà gáy đến từ đội thi Gấu Dâu của Trường MN Thực Hành.
- Múa Guốc Mộc đến từ đội thi Thiên Thần Nhỏ của trường MN Tuổi Ngọc.
- Múa Úp lá khoai đến từ đội thi của Trường Mầm non Hoa Hồng Đỏ.
- Múa Tôm cua cá đến từ đội thi Sắc Màu Tuổi Thơ của trường MN Tuổi Ngọc.
Tiết mục Múa Vũ khúc dân gian đến từ đội thi Trường MN Hoa Hồng Đỏ
Tiết mục Múa Cái bống đến từ đội thi Thiên Thần - Trường MN Thực Hành.
Tiết mục Múa Nét đẹp hồn quê đến từ đội thi Trường MN Phước Long B.
Tiết mục Song ca và múa Gà gáy đến từ đội Gấu Dâu - Trường MN Thực Hành.
Tiết mục Múa Guốc Mộc đến từ đội thi Thiên Thần Nhỏ - Trường MN Tuổi Ngọc.
Tiết mục Múa Úp lá khoai đến từ đội thi của Trường MN Hoa Hồng Đỏ.
Tiết mục Múa Tôm cua cá đến từ đội thi Sắc Màu Tuổi Thơ - Trường MN Tuổi Ngọc.
Sau khi kết thúc các tiết mục, Ban Giám khảo đã đưa ra kết quả xếp hạng các tiết mục như sau: Giải nhất – Tiết mục Gà Gáy, Giải nhì – Giải Cá Tôm Cua, Hạng ba – Tiết mục Úp Lá Khoai và 4 Giải khuyến khích: Tiết mục Nét Đẹp Hồn Quê, Tiết mục Vũ Khúc Dân Gian, Tiết mục Guốc Mộc, Tiết mục Cái Bống.
Thầy Nguyễn Nguyên Bình, Ông Ngô Nguyễn Trường Thịnh trao giải Nhất cho tiết mục Gà Gáy
Cô Phùng Duy Hoàng Yến, Cô Đặng Thị Thùy Dung trao giải Nhì cho tiết mục Cá Tôm Cua
Cô Nguyễn Thị Hằng, Cô Nguyễn Thị Ngọc trao giải Ba cho tiết mục Úp Lá Khoai
Cô Nguyễn Thụy Thủy Tiên và Thầy Nguyễn Mạnh Cường trao giải Khuyến khích cho 4 tiết mục: Nét Đẹp Hồn Quê, Vũ Khúc Dân Gian, Guốc Mộc, Cái Bống
Hội thi “Ca múa nhạc dân gian dành cho trẻ mầm non – Lần thứ nhất” được tổ chức nhằm tạo sân chơi vui tươi, phát huy trí tuệ, năng khiếu cho trẻ em mầm non, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống này trên phạm vi thành phố, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, phát huy những phẩm chất của con người Việt Nam luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhân ái. Hội thi đã khép lại trong niềm vui tươi, hào hứng và tràn đầy cảm xúc. Qua những bài hát, điệu múa và màn trình diễn đặc sắc của các bé, chúng ta đã thấy được sự hồn nhiên, tài năng và lòng yêu thích văn hóa dân gian Việt Nam của thế hệ mầm non tương lai. Các tiết mục không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn là dịp để trẻ hiểu biết hơn về giá trị văn hóa truyền thống, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Ban Tổ chức tin rằng những trải nghiệm tại hội thi sẽ là kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ của các bé và cũng là nền tảng, hành trang giúp các em phát triển toàn diện trong tương lai./.
Phòng ĐT-KH&HTQT